Tiên Tửu Hay Cẩu Tửu Ném Đá Nhà Văn Hóa.
仙酒或狗酒破壞傳統文化
Ẩm Thực 飲食: tức ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh trên tinh thần của các Cụ dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ta thấy các cụ để học ăn hàng đầu vì ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời thì tất cả chúng ta đều ăn qua hình thức bú sữa mẹ, nhưng tại sao ăn sớm như vậy, trải qua quá trình thực hành dài như vậy mà khi đến tuổi đi học lại vấp ngay phải chữ học ăn đầu tiên, nghe thoáng qua thấy vô lý nhưng các cụ dạy đều đúng cả vì ăn như thế nào, ăn ở đâu, ăn với ai, ăn có uống gì không? Ăn ở chỗ nào vv, và hoàn cảnh thì muôn hình vạn trạng “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Vì cách ăn, chỗ ăn rất được coi trọng "Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp".
Bên cạnh đó thì ăn là con đường ngắn nhất đưa chúng ta tới tai ương “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, đấy còn chưa kể đến “Ăn phải bả” thì toi luôn. Động từ “Ăn” có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong đời mỗi con người, có lẽ do hệ quả mà nó mang lại “Miệng ăn núi lở”, cũng như những hiệu quả của thời điểm được ăn “Một miếng khi đói bằng gói khi no”. Để chớ rơi vào hoàn cảnh "Ăn không ngồi rồi". Ăn là nhu cầu tất yếu với nhiều ràng buộc lễ, nghĩa, phong thái. Tương đương với sự quan trọng của nhu cầu. Cách ăn, cách thể hiện, trình bày hay nơi chốn đã thể hiện vị thế và quan điểm nhân sinh sâu sắc:
"Vì chàng thiếp phải bê mâm
Cả như mình thiếp mó nồi cũng xong"
Ẩm: tức đồ uống, ăn uống thì ăn đã rồi mới uống, chỉ khi đủ ăn hoặc dư dả mới bàn thêm uống, ăn để cho no còn uống tăng thêm sự long trọng khi ăn và hình thức uống cũng như chất liệu cao cấp đã làm cho bữa cơm thịnh soạn. Đồ uống giúp tiêu hóa tốt hơn và giải quyết vấn đề đối ngoại, bày tỏ, chia sẽ quan điểm hay tiêu cực là thăm dò đối tác làm ăn khi có men.
Uống rượu và chúc rượu từ lâu đã được xem là nét văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam. “非酒不成禮 - Phi tửu bất thành lễ”. Chính vì lẽ đó mà trong ngày lễ tết, cúng giỗ, cưới xin mà không có chén rượu thì còn gọi gì là đám. Việc ăn đã khó thì uống rượu còn khó hơn, nếu không được hướng dẫn, học hỏi chưa chắc đã biết uống, hoàn cảnh để uống thì nhiều, vận dụng lại đa dạng, uống và nhậu hoàn toàn khác nhau. Lấy loại nào ra mời bạn thân trong hầm rượu đây?
Nhà Rượu Học: Rượu thuốc được chưng cất từ gạo tẻ hoặc gạo nếp, sau đó đem ngâm với thảo dược rất có lợi cho sức khỏe như: Linh chi, kỳ tử, dâm dương hoắc, hoặc động vật hoang dã như bìm bịp, cá ngựa, tắc kè, rắn v v.
Trong dân gian còn quan niệm xem ngày cất rượu, nếu nấu rượu không chọn ngày rượu dễ bị chua, ít rượu thậm chí bị hỏng. Hạ thổ cũng xem ngày kén giờ, chọn hướng và cũng theo cổ truyền thì hướng tốt nhất là Đông Bắc giao hòa của Đông - Mộc, Bắc - Thủy sẽ cân bằng được tự nhiên.
Rượu Thuốc: đây là dòng đa chủng loại, đa công dụng, với nhiều chức năng nên rượu thuốc ở Việt Nam có đến hàng trăm loại, nhưng tăng cường sinh lý và bồi bổ cho phụ nữ sau sinh nở, giúp lưu thông khí huyết, tẩy khí hư vv là tác dụng thường được nhiều người nhắc đến. Lâu đời nổi tiếng có Minh Mạng Thang “Nhất dạ ngũ giao tam hữu dụng”, tạm dịch một đêm qua năm cửa ải thì ba lần có sản phẩm. Gần đây có Amakong ở Tây Nguyên vv. Còn nhiều loại rượu mà đa số chúng ta "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình". Tạm dịch: Nghe tên mà chưa lần nhìn thấy.
Thưởng thức: thưởng thức rượu như các cụ thường nói ngon mắt mới ngon miệng nên thưởng thức rượu qua màu - Sắc, mùi rượu thông qua mũi ngửi - Khứu, cầm ly rượu với phong thái ung dung tự tại xác định rõ mình sẽ uống rượu chủ động - Thiết, đưa lên miệng nhấp một ít biết - Vị, chạm cốc chúc mừng cho nhân vật chính để tận hưởng âm - Thanh. Sơ qua các cảm giác mà rượu mang đến cho ta có: “Sắc, Thiết, Thanh, Khứu, Vị” đúng như ngũ là cửa sinh của kiếp luôn hồi. Vậy sao có thể xem nhẹ được!
Lời mời - Giới thiệu
Mời nhau uống rượu người Việt hay nói cạn chén, người Anh nói Toast, người Ý nói Cheer (phát âm là Chia), người Hoa nói “Can pây”, nhưng sau này tiếng Ý được dùng nhiều nhất trong các cuộc xã giao quốc gia, quốc tế, có lẽ do dễ nói vì thuận miệng. Và hiểu theo nghĩa thuần Việt cũng được, bởi có gì thì mới chia mà cuộc sống của chúng ta niềm vui và nỗi buồn luôn đồng hành, vì lẽ đó "Chia" được coi là động từ tích cực: Niềm vui chia ra sẽ nhân lên gấp đôi, Nỗi buồn chia ra sẽ vơi đi một nửa. Còn trong cuộc sống mưu sinh khi có cơ hội để chia thì công thức đã có sẵn: “Của đồng chia ba, của nhà chia đôi”
Trước khi mời phải hiểu về rượu qua “Vọng, Văn, vấn, thiết”. Vọng - Nhìn màu rượu, rót thế nào cho phù hợp, Vấn - hỏi thêm thông tin về nguồn gốc, xuất xứ nhằm tăng tính đảm bảo, Văn - nghe thông tin và cụng ly để thưởng thức âm thanh và nhạc điệu, Thiết - nâng ly rượu tựa như nâng đóa hoa hồng dâng tặng mọi người. Thử hỏi làm như vậy có ai lại từ chối!
Uống: là để thưởng thức, rượu ngon, tình cảm chân thành, cảm nhận tình yêu và sự đồng điệu vv, còn nhậu đơn giản chỉ là chuốc rượu vào cho thần kinh đầu óc say khướt, cơ thể mệt mỏi mà theo định nghĩa y khoa là “Ngộ độc rượu” những anh bợm nhậu này có thể gọi là Ỉn Tửu vì miệng chỉ hộc ra một âm thanh với điệp khúc và giai điệu buồn tai và tạp chất dễ làm người khác phát khiếp, hay Cẩu Tửu vì cũng từ cái miệng đó chỉ tru lên những lời khó nghe không vần điệu. Gia cảnh nghèo khó, mà còn mượn rượu làm vui quên thực tại: Nguyên bản﹕酒樂忘貧. Hán Việt: “Tửu lạc vong bần". thì đến Nam Cao tái thế cũng chẳng thể nào tả nổi.
Người uống rượu có cảm giác ngon, ngay cả khi uống một mình, có chăng đa số là người đã làm chủ hoàn cảnh và cố gắng hết mình, khi một mình nhâm nhi chén rượu nhớ lại những chặng đường vượt ải phải đãi cát tìm vàng nơi sa mạc, lọc những dòng nước mắt lấy tình yêu, mà có tự thưởng cho mình một vài chén thì dù có là người khắt khe cũng sẽ cảm thông:
"Đời không cát bụi đời không sạch
Thân bất ba đào chí bất cao
Cuộc sống có từng qua khổ hạnh
Mới mong trí óc được thanh tao"
Khi lễ tết tôi cũng cố mời nửa còn lại làm chút chơi, trông họ uống sao mà khó nhọc thế, lại còn kêu sao cay, đắng thế? có gì hay đâu mà uống suốt được. Sự khác nhau về giới tính dễ phân biệt đến thế, mình uống nhiều thành quen chăng? hay vì lý do nào khác?:
"Cay đắng chưa từng sao biết được
Đau thương chưa biết hiểu chi đời
Mắt chưa đẫm lệ tim chưa nát
Làm sao hiểu được nghĩa tiếng cười"
Còn uống rượu là để thưởng thức, không cần lý do, chỉ thấy thích và vui vẻ hòa nhã là được, chỉ đơn cử việc lâu ngày gặp lại bạn cũ mời nhau “chén tạc chén thù” thì mời nhau thế nào đây? nghệ thuật nào viện dẫn đến, câu thơ nào, vế đối nào được nhắc đến lúc xướng, họa, thi, ca. Để vừa uống rượu vừa nhớ lại chuyện buồn vui hay bình thơ thì quả đúng là Tiên Tửu: Bản gốc
"酒逢知己千杯少
話不投機半句多"
Hán Việt: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đầu cơ bán cú đa”
Tạm dịch: Gặp bạn uống ngàn chén chưa đủ;
Chuyện không ý hợp nửa câu thừa.
Bạn bè người thân lâu ngày gặp thì cớ gì chẳng nhâm nhi vài ly, ấy còn chưa kể đến bao cuộc hội ngộ bất ngờ mà cơ duyên ông Trời sắp đặt. "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Tạm dịch: Có duyên với nhau xa sẽ gặp. Gặp nhau đây rồi, có lẽ nào lại chẳng để lại ký ức nào sao? Khi mà tương phùng “Tao nhân mặc khách”, biết nói gì đây khi hai dòng đời ngăn chia mình rồi.
“Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay
Anh thấy em trong chén rượu đầy
Anh uống hồn em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say.”
Uống rượu là lý do uống cái tình trong chén rượu, tại sao lại hay mời cạn chén là như vậy, bên cạnh đó người Trung Quốc uống cạn chén là do bởi họ quan niệm “福底 - Phúc Đáy” nếu không uống hết tức chừa lại phúc xem như là điều không may. Uống rượu là nét đẹp văn hóa cổ truyền, người uống rượu nên biết tiết chế phù hợp với tửu lượng của mình để luôn làm bạn cùng “Bầu rượu túi thơ” mà thể hiện phong thái “ 男無酒如旗無風 - Nam vô tửu như kỳ vô phong” với dáng dấp của Tiên Tửu, lĩnh hội đầy đủ nét đẹp văn hóa cổ truyền và làm cho nó ngày một rực rỡ, chớ để thất truyền. Và không sa đà nhậu nhẹt say xịn, a dua tệ nạn. Rượu vào lời ra: "酒入言出" và gặp hoàn cảnh: "Đa ngôn sổ cùng, bất như thủ trung" : Hán Cổ:
"多言數窮﹐不如守中"
Tạm dịch: Nói nhiều chẳng hết, thà giữ lấy trung
Uống rượu để thưởng thức và tăng thêm hòa khí bạn bè, nhưng không phải hoàn cảnh lúc nào cũng chiều thuận lòng người, uống rượu mà không nói thì quả là phí rượu, chỉ có uống rồi càng nói càng tỉnh càng có chiều sâu mới được gọi là Tiên Tửu, nhưng trong cuộc rượu mà người nói chẳng có kẻ nghe thì các cụ ta dặn rằng: Hán Cổ: "酒中不語真君子". Hán Việt: Tửu trung bất ngữ chân quân tử: Thế mới thấm các cụ coi trọng và lường trước tất cả hoàn cảnh để cuộc vui trọn vẹn, làm cho hậu sinh học mãi không cùng.
Nói tới rượu mà không nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du thì quả là thiếu sót với bậc tiền bối với bài Đối Tửu để lại cho hậu thế: Hán cổ:
“生前不盡樽中酒
死後誰澆墓上杯”
Hán Việt: “Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi”
Tạm dịch: “Sống không cạn chén dốc bình
Chết rồi, rượu tưới mộ mình biết ai?”
Những người Ỉn Tửu, Cẩu Tửu đáng lên án, sống sờ sờ ra đấy mà cứ mở miệng là kêu "Hue oi !". Nhưng mọi người đừng vơ đũa cả nắm, thấy ngồi uống rượu là chụp mũ, mặt nặng mày nhẹ, dận cá chém thớt. Như vậy chẳng tự đẩy mình từ ý nghĩ tốt có hành động đẹp là lên án những thói hư tật xấu vô văn hóa, lại trở thành người “Ném đá nhà văn hóa, xây nhà quay lưng lại trường học” hay sao?./.
Bản thân tôi vì thường xuyên luyện tập thể thao nên chỉ hay quan tâm và sưu tầm nhiều loại Hảo Tửu bổ gan, giải độc là nhiều, bài thuốc biết cũng tương đối. Chả thế mà:
"Trên đầu có tóc bạc rồi
Mà sao thân thể như là thanh niên"